Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

Thông tin chung về huyện Định Hóa

2021-12-28 23:27:00.0

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

Định Hóa là huyện miền núi của tỉnh Thái Nguyên, nằm trong khoảng toạ độ 105o29” đến 105o43” kinh độ đông, 21o45” đến 22o30” vĩ độ bắc; phía Tây - Tây Bắc giáp tỉnh Tuyên Quang, phía Bắc - Đông Bắc giáp tỉnh Bắc Kạn, phía Nam - Đông Nam giáp huyện Đại Từ, Phú Lương; huyện lỵ là thị trấn Chợ Chu, cách thành phố Thái Nguyên 50 km về phía Tây Bắc.

Địa hình huyện Định Hoá khá phức tạp và tương đối hiểm trở, ở dạng núi thấp, đồi cao. Xen giữa các dãy núi đá vôi và đồi, núi đất là những cánh đồng hẹp. Hướng địa hình thấp dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam, phân làm hai vùng. Vùng núi bao gồm các xã ở phía bắc huyện. Vùng này có các dãy núi cao từ 200 đến 400 m so với mặt biển, thuộc phần cuối của dãy núi đá vôi cánh cung Sông Gâm, chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ phía Bắc qua trung tâm huyện đến xã Trung Hội, tạo nên bức tường thành ở phía Đông thị trấn Chợ Chu và những thung lũng nhỏ hẹp. Nhiều hang động trong các dãy núi đá này có những nhũ đá hình thù kỳ thú, đẹp mắt.

Vùng núi thấp bao gồm thị trấn Chợ Chu và các xã ở phía Nam. Đây là vùng núi đất, có độ cao từ 50 đến dưới 200m, độ thoải lớn; có nhiều rừng già và những cánh đồng tương đối rộng, phì nhiêu.

Định Hoá có 520.75km2 ha đất tự nhiên, trong đó: 99.29 km2 đất nông nghiệp, 221.7 km2 ha đất lâm nghiệp, 8.46 km2 đất chuyên dùng, 7.33 km2 đất ở, 183.98 km2 đất cha sử dụng. Thành phần của đất được chia ra làm 5 loại chính:

Đất thuộc loại hình Mác mưa chua, chủ yếu là Grnid, có diện tích 19.97km2, tầng dầy trung bình chiếm ưu thế, tập trung chủ yếu ở các xã vùng 3.

Đất Zera lid nâu đỏ phát triển trên đá gabvô, có diện tích khoảng 2.8 km2, tầng dầy trung bình chiếm u thế, tỷ lệ xét hoá học biến đổi từ 52 đến 73% trong tổng số cấp hạt loại đất, phân bổ rải rác trong huyện.

Đất dốc tụ, có tổng diện tích khoảng 27.68 km2, phân bố rộng khắp trong huyện, có địa hình phức tạp.

Đất phù sa suối, có khoảng 17.73 km2, phân bố tập trung hai bên các sông, suối trong huyện, tạo thành những cánh đồng vừa và nhỏ.

Đất dốc tụ có ảnh hưởng CaCo3, diện tích khoảng 1.82 km2, phân bổ tập trung xung quanh khu vực có những dãy núi đá vôi. Đất có phản ứng trung tính hoặc hơi kiềm..

Căn cứ vào độ dốc có thể phân ra: Đất có độ dốc trên 250 có 116.18 km2, đất có độ dốc dưới 25 0 có 145.96 km2, đất núi 152.67 km2.

Thảm thực vật của Định Hoá rất phong phú, chứa đựng nhiều tiềm năng kinh tế, với các loại lâm sản quý như gỗ nghiến, lim, lát, sến và các loại tre, nứa, vầu, trám…Đặc biệt, vùng đất các xã phía Nam có nhiều cây cọ, lá để lợp nhà, cuộng để làm mành, thân làm kèo, xà nhà rất bền.

Từ những năm giữa thế kỷ XX trở về trước động vật rừng Định Hoá rất phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, ngày nay rừng đã bị thu hẹp nhanh chóng, nguồn tài nguyên rừng bị kiệt quệ, các loại lâm sản quý còn không đáng kể, các động vật quý hiếm nhhổ, báo, gấu hầu như không còn.

Định Hoá có khí hậu nhiệt đới, chia làm hai mùa. Mùa nóng từ tháng 4 đến tháng 10 hàng năm. Tháng nóng nhất là tháng 8, nhiệt độ trung bình lên tới 280C. Mùa lạnh từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau. Tháng lạnh nhất là tháng 1, nhiệt độ trung bình xuống tới 150C. Mùa nóng có những ngày nhiệt độ lên trên 41 0C, mùa lạnh có lúc nhiệt độ xuống tới 10C.

Là huyện có độ ẩm khá cao, trừ tháng 1, các tháng còn lại độ ẩm đều trên 80%. Những tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 3 tháng 4 và tháng 8 - những tháng có mưa phùn, mưa ngâu, độ ẩm thường từ 85% trở lên.

Định Hoá có hai loại gió chính thổi theo mùa: gió mùa đông bắc, thời gian ảnh hưởng trùng với mùa lạnh. Mỗi khi có những đợt gió mùa đông bắc tràn về nhiệt độ thường hạ xuống đột ngột, làm cho thời tiết rất lạnh, đôi khi xuất hiện sương muối, rất có hại cho sức khoẻ con người và sự phát triển của cây trồng. Gió mùa đông nam, thời gian ảnh hưởng trùng với mùa nóng, mưang theo hơi nước từ biển Đông vào gây ra mưa lớn. Lượng mưa trung bình hàng năm (trong 5 năm 1995-1999) của Định Hoá vào khoảng 1.655 mm. Mùa mưa trùng với mùa nóng chiếm 85% đến 90% Lượng mưa cả năm. Mùa khô trùng với mùa lạnh, Lượng mưa ít, chỉ chiếm 10% đến 15% Lượng mưa cả năm. Những tháng đầu mùa khô thời tiết thường hanh khô, có khi cả tháng không mưa gây nên tình trạng hạn hán.

Trên đất Định Hoá có 3 hệ thống dòng chảy chính:

Sông Chợ Chu: là sông lớn nhất, hợp lưu bởi nhiều khe suối nhỏ bắt nguồn từ sờn núi các xã phía tây, phía bắc huyện, với 3 nhánh chính là suối Chao, suối Múc, suối Tao; đoạn chảy qua xã Tân Dương là đoạn lớn nhất. Sau đó sông chảy qua xã Yên Ninh (huyện Phú Lương) và hợp lưu với Sông Cầu ở Chợ Mới. Sông Chợ Chu có lưu vực rộng 437 km2, lưu Lượng nước bình quân trong năm 3,06 m3/s.

Sông Công (phần trên đất Định Hoá là thượng nguồn) có hai nhánh. Nhánh thứ nhất bắt nguồn từ xã Thanh Định, chảy qua xã Bình Yên, Sơn Phú. Nhánh thứ hai bắt nguồn từ dãy núi Khuôn Tát xã Phú Đình chảy qua xã Phú Đình, hợp lưu với nhánh thứ nhất ở xã Bình Thành rồi chảy sang xã Minh Tiến (huyện Đại Từ). Tổng diện tích lưu vực trên địa bàn huyện là 128 km2, lưu lượng mức bình quân 3,06 m3/s.

Sông Đu (phần chảy trên địa bàn huyện thuộc thượng nguồn) bắt nguồn từ xã Yên Trạch (huyện Phú Lương), đoạn chảy qua xã Phú Tiến (Định Hoá) dài khoảng 3,5km. Sau đó sông chảy dọc phía tây huyện Phú Lương, hoà vào sông Cầu ở xã Sơn Cẩm. Sông Đu có tổng diện tích lưu vực 70 km2, lưu lượng nước bình quân 1,68 m3/s.

LỊCH SỬ:

Huyện Định Hóa ngày nay, thời nhà Lý thuộc về châu Định Biên, thời thuộc Minh là châu Tuyên Hóa, đầu đời Lê gọi là huyện Tuyên Hóa. Năm Quang Thuận thứ 7 (1466) đời vua Lê Thánh Tông đổi làm châu Định Hóa, có 46 xã 27 trang và thuộc phủ Phú Bình, thừa tuyên Thái Nguyên.

Theo sách: “Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” (gồm các tỉnh từ Nghệ Tĩnh trở ra) được biên soạn vào giữa đời vua Gia Long (năm 1810 đến 1819), thì châu Định Hóa có 9 tổng 31 xã:

1- Tổng An Ninh, có 1 xã: An Ninh.

2- Tổng Thanh Hồng, có 3 xã: Thanh Hồng, Thù Mặc, Lục Dã.

3- Tổng Khuynh Quỳ, có 2 xã: Khuynh Quỳ, Ôn Lương Hạ.

4- Tổng An Biên Thượng, có 4 xã: An Biên Thượng, Quế Lĩnh, Nghĩa Tá, Bảo Biên.

5- Tổng Định Biên Trung, có 6 xã: Định Biên Trung, Định Biên, Nam Huân, Lang Yên, Du Nghệ, Trung Khảm.

6- Tổng Định Biên Hạ, có 6 xã: Định Biên Hạ, Quảng Nạp, Bằng An, Bộc Nhiêu, Sơn Đầu, Lang Tuyền.

7- Tổng Phượng Vĩ Thượng, có 2 xã: Phượng Vĩ Thượng, Lam Vĩ.

8- Tổng Phượng Vĩ Trung, có 1 xã: Phượng Vĩ Trung.

9- Tổng Phượng Vĩ Hạ có 6 xã: Phượng Vĩ Hạ, Linh Đàm, Phúc Trinh, Quy Triều, Nghĩa Trang, Văn La.

Có một phố phiêu bạt là phố Chợ Chu ở thôn Trung Khảm, Tổng Phượng Vĩ Hạ.

Năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), châu Định Hóa đổi là Châu Định. Năm 1835, một số châu, huyện thuộc phủ Phú Bình được tách ra để lập phủ mới Tòng Hóa, bao gồm phần đất của ba huyện Định Hóa, Đại Từ và Phú Lương ngày nay. Châu Định Hóa thuộc phủ Tòng Hóa, có 9 tổng, 36 xã.

Theo Đồng Khánh dư địa chí: Định Châu (tức Châu Định), châu lỵ đặt ở xã Trung Khảm. Châu hạt phía đông giáp xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, phía tây giáp xã Kim Đài, châu Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, phía Nam giáp xã Hạ Lãm và trang An Nghiệp, huyện Văn Lãng, phía bắc giáp Chợ Mới, trang Yên Đĩnh, châu Bạch Thông. Đông tây cách nhau 172 dặm, nam bắc cách nhau 93 dặm.Châu có 9 tổng 36 xã.

1- Tổng Định Biên Thượng, 5 xã: Bảo Biên, Quế Linh, Nghĩa Tá, Định Biên Thượng, TLập.

2- Tổng Định Biên Trung, 6 xã: Trung Khảm, Định Biên, Du Nghệ, Phong Huân, Lương An, Định Biên Trung

3- Tổng Định Biên Hạ, 6 xã: Định Biên Hạ, Lương Can, Bình An, Sơn Đầu, Quảng Nạp, Bộc Nhiêu.

4- Tổng Phượng Vĩ Thượng, 2 xã: Lam Vĩ, Phương Vĩ Thượng.

5- Tổng Phượng Vĩ Hạ 6 xã: Phượng Vĩ Hạ, Phúc Trinh, Văn La, Linh Đàm, Nghĩa Trang, Quy Triều.

6- Tổng Phượng Vĩ Trung, 2 xã: Phượng Vĩ Trung và Kiều Dương.

8- Tổng Thanh Điểu, 3 xã: Thanh Điểu, Điềm Mặc, Lục Dã.

9- Tổng An Trạch, 1 xã: xã An Trạch.

10- Tổng Khuynh Quỳ, 5 xã: Ôn Lương Thượng, Ôn Lương Hạ, Phú Khuôn, Phú Ngự, Khuynh Quỳ.

Khoảng cuối thế kỷ XIX, dưới quyền cai trị của thực dân Pháp, xã Nghĩa Tá được nâng lên thành tổng Nghĩa Tá. Năm 1913, chính quyền Pháp cắt tổng Nghĩa Tá (gồm các xã Phong Huân, Lương Yên, Nghĩa Tá) về huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn và hai xã Phú Lâm, TLập thuộc tổng Định Biên Thượng về huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Trước ngày khởi nghĩa giành chính quyền (26/3/1945), châu Định Hoá có 8 tổng 30 xã 1 thị trấn.

Sau ngày khởi nghĩa giành chính quyền, châu Định Hóa được đổi tên là châu Ngô Quyền, cuối tháng 6/1945 đổi tên là phủ Vạn Thắng. Đến ngày 25/3/1948, theo sắc lệnh số 148 - SL của Chủ tịch chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Bỏ phủ, châu, quận, đơn vị hành chính trên cấp xã gọi là huyện, châu Định Hóa đổi là huyện Định Hóa. Cũng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, một số xã được sáp nhập với nhau hoặc điều chỉnh địa giới, do đó tên xã cũng có nhiều thay đổi.

Ngày 17/2/1965, theo quyết định số 46 - NV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, xã Kim Phượng được chia làm 2 xã: xã Kim Phượng gồm các xóm Quảng Cáo, Thái Chi, Ninh Na; xã Kim Sơn gồm các xóm Nà Mò, Nghĩa Trang.

Ngày nay, Định Hóa có 24 đơn vị hành chính cấp xã (23 xã, 1 thị trấn).

TRUYỀN THỐNG, VĂN HÓA:

Trong cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta, Thái Nguyên vinh dự được chọn làm an toàn khu Trung ương - Thủ đô kháng chiến của cả nước. Ngày 20/5/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến ATK Định Hóa ở và làm việc tại đồi Khau Tý, xã Điềm Mặc (Định Hóa). Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có 63 xã được công nhận là xã ATK trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với rất nhiều di tích lịch sử, trong đó riêng ATK Định Hóa có 128 điểm di tích lịch sử cách mạng, ghi đậm dấu ấn một thời của Chiến khu Việt Bắc anh hùng.

ATK Định Hóa là một quần thể di tích lịch sử nổi tiếng, được xem như quần thể di tích quan trọng bậc nhất của dân tộc Việt Nam ở thế kỷ XX, mỗi tên bản, tên núi, tên sông ở nơi đây đều gắn liền với các hoạt động của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng trong việc chỉ đạo và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn bằng chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Hiện nay, ATK còn nhiều di tích về nơi ở và làm việc của Bác như nền nhà, hầm làm việc, cây râm bụt Bác trồng, phiến đá Bác thường nằm nghỉ trưa... ATK là nơi ghi lại nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Ngày 6/12/1953, tại đồi Tỉn Keo, Bộ Chính trị BCH TW đã họp thông qua kế hoạch tác chiến - tấn công chiến lược Ðông Xuân 1953- 1954 để làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ lẫy lừng, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc. Nhiều sắc lệnh quan trọng của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được ký ban hành tại đây, trong đó có luật về nghĩa vụ quân sự, sắc lệnh tổng động viên... về giảm tô và cải cách ruộng đất... Thủ đô ATK cũng là nơi diễn ra các hoạt động ngoại giao của nước ta thời ấy. Thật khó để hình dung, ở nơi xa xôi này, nơi mà hơn nửa thế kỷ sau ngày kháng chiến chống Pháp thành công, cách nửa quả đồi, mới thấy một ngôi nhà, lại là Thủ đô gió ngàn kháng chiến, nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng,… 
Năm 1990 tại đồi Tỉn Keo, tỉnh Thái Nguyên đã xây bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, phòng trưng bày di tích lịch sử, nhà khách... Tại trung tâm xã Phú Ðình cũng đã xây dựng nhà truyền thống, giới thiệu trưng bày nhiều hiện vật quý. Sự khang trang, tôn nghiêm và quy củ của khu di tích hiện tại không khiến du khách và người hành hương khó hình dung về sự đơn sơ, thiếu thốn của những ngày đầu kháng chiến.


Bên cạnh các di tích chính như đồi Tỉn Keo, Khuôn Tát, Nà Nom... cụm di tích ATK còn nhiều địa danh đi vào lịch sử như: đèo De, núi Hồng, nhà ông Cao Nhật - một trong những cơ sở cách mạng đầu tiên của Xứ ủy Bắc Kỳ thời kỳ 1939 -1945; rừng Mấn - nơi đặt trạm liên lạc của Xứ uỷ Bắc Kỳ và là nơi mở lớp huấn luyện chính trị, quân sự của Ðảng, đồng chí Trường Chinh, Tổng bí thư của Ðảng khi đó và đồng chí Hoàng Quốc Việt từng qua lại hoạt động ở đây; chùa Mai Sơn - nơi Xứ uỷ Bắc Kỳ đặt nhà in đặc biệt, in báo Cờ giải phóng và nhiều tài liệu quan trọng; đình Kha Sơn - nơi thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên của xã... Tất cả những di tích lịch sử này đều đã được xếp hạng quốc gia.


Hàng năm, nhân dân, cán bộ từ mọi miền tổ quốc vẫn trở về đây, nơi đồng bào vẫn một lòng thủy chung son sắt, cùng ôn lại những kỷ niệm xúc động của một quá khứ hào hùng. Mỗi địa danh lịch sử và mỗi dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại trên đất Thái Nguyên đều có giá trị lịch sử to lớn, là tài sản vô giá của đất nước, của dân tộc Việt Nam nói chung và của đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên nói riêng.


Hệ thống di tích các cơ quan Trung ương, cơ quan của Bác, cơ quan Chính phủ, cơ quan Bộ tổng tư lệnh, Bộ Quốc phòng... trên đất Thái Nguyên luôn là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc vùng ATK. Cả trong quá khứ và hiện tại, ATK Định Hóa luôn là địa chỉ đỏ để nhân dân cả nước “trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”...

 

Trụ sở: UBND huyện Định Hoá, thị trấn Chợ Chu, huyện Định Hoá ĐT: 0280 878365 Fax: 0280 878813 Email: ubnddinhhoa@thainguyen.gov.vn

website: http://dinhhoa.thainguyen.gov.vn

 

 

Phòng BT-TS
thainguyen.gov.vn

Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 667478